Thư gửi cô giáo dạy Văn

Thư gửi cô giáo dạy Văn
Cô ơi, khi em viết những dòng này, hẳn cô không còn nhớ em là ai nữa. Cô từng nói, người giáo viên như một lái đò, suốt cuộc đời chở bao thế hệ học trò qua sông. Em luôn nhớ đến cô, và nhất là hôm nay, em phải viết điều này để thay cô bênh vực môn Văn, bênh vực cách dạy và học Văn của cô trò mình. Cô cho phép em cô nhé! Cuộc đời dạy Văn của cô hẳn không thiếu những lần nhìn thấy học trò xoa nắn cổ tay vì đau nhức do phải chép quá nhiều. Hẳn không thiếu những lần cô nghe học trò, và bây giờ là cả một bộ phận người đời, than thở rằng thứ văn chương nhà trường chỉ là đọc chép, vô hồn và giết chết học sinh... Xin lỗi cô, em cũng từng thấy mệt mỏi khi cứ mỗi buổi học Văn là lại phải chép bài không ngừng nghỉ, mồ hôi em chảy xuống trang vở không kịp lau, nhoè cả nét mực chưa khô...

Nhưng em lớn lên, em hiểu, nỗi nhọc nhằn của một buổi chép bài đâu có thấm gì so với nỗi nhọc nhằn của những người nông dân đang còng lưng trên cánh đồng lúa chín, đâu có thấm gì so với nỗi nhọc nhắn của những tiếng rao đêm. Nhờ những bài văn cô dạy, mà hôm nay em được ngồi trên giảng đường Đại học, ngày mai em ra trường, ngồi làm việc trong phòng máy lạnh, có xe đón xe đưa. Thưa cô, em thật lòng phải cảm ơn cô vì những bài văn cô đọc cho em chép ngày xưa ấy...
Khi em hỏi cô, tại sao em không được viết những điều mình thích, không được tự do sáng tạo mà phải nhất nhất tuân theo những khuôn mẫu có trước. Cô trả lời rồi sau này em sẽ hiểu. Vâng bây giờ em đã hiểu. Bài văn của cô ngày xưa là phôi thai của những luận văn, luận án ngày sau. Phải biết viết một bài văn với đủ ba phần, chặt chẽ và mạch lạc mới mong viết được một công trình khoa học có đầu có cuối, có các ý rõ ràng, có kết cấu hoàn chỉnh. Nếu không có những bài văn cô rèn luyện ngày trước, bây giờ em không tin mình viết được một chương khoá luận đâu cô ạ. Em một lần nữa chân thành cảm ơn cô...

Thưa cô, em còn nghiệm ra cách dạy Văn của cô cũng là dạy em cách sống. Chỉ khi lớn lên em mới thấm thía rằng, không phải lúc nào cũng có thể nói lên những điều mình nghĩ. Em nhớ lại câu thơ trong bài "Tiếng chổi tre":

Chị lao công như sắt như đồng,
Chị lao công đêm đông quét rác

Cô bảo, hình ảnh "như sắt như đồng" là sáo mòn nhưng trong bài văn không nên nói vậy. Cô dạy em viết rằng "dù sáo mòn nhưng vẫn rất mới lạ, bởi lần đầu tiên một nhà thơ đem so sánh người phụ nữ vốn mỏng manh, yếu đuối với biểu tượng của sự mạnh mẽ, rắn rỏi - như sắt như đồng". Em chép và cũng không bận tâm chuyện nói giảm, nói tránh đó nữa. Nhưng hôm qua, một người chị của em đã phải rời vị trí trong công ty, bởi chị thẳng thắn nói với Giám đốc trước mặt mọi người rằng - "Anh làm thế là sai rồi!". Đúng là anh đã sai, nhưng có lẽ chị không được học cô để biết cách nói nhẹ nhàng hơn và kín đáo - "Em nghĩ có thể có hướng giải quyết tốt hơn". Có ai trên đời muốn bị mất mặt đâu. Nhờ có cô, em đã thận trọng hơn khi làm mọi chuyện.

Có thể văn chương nhà trường dạy em nói dối, nhưng em tin như thế là cần thiết. Không ai trong đời mình hoàn toàn nói thật. Đôi khi lời nói dối sẽ dễ nghe hơn những lời nói thật ngây ngô. Càng tiếp xúc với cuộc đời em càng thấy điều đó là cần thiết. Em chợt nhớ khi xưa, em tả mẹ trong bài văn -"mẹ em mặt vuông chữ điền". Cô mỉm cười và chữa lại cho em -" Mẹ em có gương mặt trái xoan". Em không hiểu - "Nhưng mẹ em không có gương mặt trái xoan!", cô nhẹ nhàng: "Văn chương phải như thế!". Thưa cô, không chỉ văn chương cần như thế mà cuộc sống cũng cần như thế. Em không nghĩ rằng em có thể quên bài học của cô để nhìn thẳng vào khuôn mặt một bạn gái và nói rằng - "Mặt bạn nhiều mụn quá". Thưa cô, em đã nhớ, cái đẹp là điều người phụ nữ nào cũng mong được người khác nhận thấy ở mình...

Không biết cô có buồn không, khi đọc những bài văn của học trò hôm nay, viết rất "sáng tạo". Hẳn những học trò đó cũng ấp ủ nỗi niềm về một môn Văn khuôn thước, ước lệ. Nhưng nhiều bài văn "sáng tạo" đến ngô nghê làm cho người đọc vừa cười vừa khóc - lại thêm trách cứ cách dạy văn ở trường. Em nghĩ, việc dạy dỗ văn chương của cô có thể đã cũ về phương pháp, nhưng điều em học được là nhận thức cơ bản về vấn đề. Những ai muốn sáng tạo, muốn bình luận thêm về tác phẩm thì cần phải hiểu cơ bản về nó, chứ không phải chỉ bịt tai không nghe giảng, để rồi phát biểu sáng tạo, sáng tạo đến mức xúc phạm tác giả, lịch sử và văn chương.

Có lần cô hỏi em, có định sống bằng nghề văn không, em lắc đầu! Cô mỉm cười, vậy em chỉ cần viết thế thôi. Em hiểu, Văn học cô dạy em là để làm công cụ cho cuộc sống. Em chỉ cần dùng văn chương để giúp em sống dễ dàng hơn. Em đâu có định trở thành nhà văn mà đòi hỏi cô trao cho em quá nhiều. Em đã hiểu, để thành công trên đường đời, chỉ nên giữ cho mình những kỹ năng cần thiết và loại bỏ những thứ không hữu ích - có thể như thế là thực dụng, song đó là sự thật.

Cô và môn Văn đã trao cho em quá đủ - đủ để em không quá khô khan trước cuộc đời, không quá nông cạn trong suy nghĩ. Và cũng đủ để em viết những dòng này như một lời tri ân gửi đến cô...