Chương trình cử nhân Chất lượng cao: Tự tin trước thềm hội nhập

Chương trình cử nhân Chất lượng cao: Tự tin trước thềm hội nhập
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2014, có 131.600 cử nhân trình độ Đại học và trên Đại học ra trường không tìm được việc làm. Nguyên nhân là do các hầu hết các sinh viên mới tốt nghiệp CĐ, ĐH đa phần chưa đáp ứng được ngay các yêu cầu của nhà tuyển dụng về kỹ năng và thái độ làm việc.

Việc lồng ghép đào tạo kỹ năng nghề nghiệp có tính thực tiễn vào chương trình đào tạo của trường đại học sẽ trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để có thể ứng dụng ngay vào công việc và đáp ứng tốt những yêu cầu của nhà tuyển dụng sau khi rời ghế nhà trường. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với thế giới, nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có tay nghề cao của các doanh nghiệp (DN) ngày càng tăng lên.

Hầu hết các DN đều mong muốn tìm được những nhân sự có thể làm việc ngay với kỹ năng và thái độ làm việc tốt nhất. Tuy nhiên, hầu hết các DN đều rơi vào tình trạng khan hiếm nhân lực có tay nghề và kỹ năng đáp ứng tốt công việc khi hầu như các sinh viên mới tốt nghiệp CĐ, ĐH ở Việt Nam chưa thể đáp ứng tốt các yêu cầu của nhà tuyển dụng.

 

Xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng những chuyên gia tài chính kế toán có bằng cấp chuyên nghiệp ngày gia tăng tại Việt Nam và khu vực kinh tế ASEAN, Hiệp hội toàn cầu dành cho các chuyên gia tài chính, ACCA (Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc) đã thống nhất và ký kết thỏa thuận với ba trường Đại học uy tín tại Việt Nam gồm: Đại học Ngoại thương, Học Viện Tài Chính và Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tại Diễn đàn Giáo Dục Việt Nam – Anh quốc (tổ chức vào ngày 11-9-2015 tại Luân Đôn, Anh quốc) dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo Bùi Văn Ga, các đại diện cấp cao từ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, cùng với hơn 80 trường đại học Việt Nam và Anh Quốc.

Theo bản thỏa thuận này, ACCA và các trường đại học trên sẽ cùng phối hợp xây dựng chương trình đào tạo cử nhân tài chính kế toán chất lượng cao. Việc lồng ghép đào tạo kỹ năng nghề nghiệp có tính thực tiễn vào chương trình đào tạo của trường đại học sẽ giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học được trang bị những kỹ năng cần thiết để làm việc cũng như giúp họ có cơ hội trải nghiệm và cọ xát môi trường làm việc thực tế. Thông qua chương trình này, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức lý luận và kỹ năng thực hành nền tảng trong lĩnh vực tài chính-kế toán – kiểm toán. Chương trình đào tạo lồng ghép này cũng bảo đảm cho người học được trang bị đầy đủ những kỹ năng và phẩm chất chuyên nghiệp để trở thành một chuyên gia hoạt động trong môi trường toàn cầu.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, việc lồng ghép một chương trình nghề nghiệp có tính thực tiễn vào chương trình học thuật của trường đại học sẽ giúp cho sinh viên được đào tạo những kỹ năng ứng dụng ngay vào công việc. Tại các nước như Anh quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc đã có sự kết hợp giữa văn bằng nghề nghiệp và chương trình đại học từ rất lâu nhằm giúp người học vừa có lý thuyết, vừa nắm vững thực hành, qua đó xóa bỏ khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn. Đặc biệt hơn,chương trình này sẽ tạo cơ hội cho sinh viên tiết kiệm được thời gian khi có thể trong cùng một chương trình học nhận được ba bằng cấp bao gồm bằng cử nhân của trường, bằng cử nhân do trường Đại học Oxford Brookes cấp và chứng chỉ Advanced Diploma in Accounting Business do ACCA cấp.

TS. Đào Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Thông qua chương trình đào tạo ưu việt này, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức lý luận và kỹ năng thực hành nền tảng trong lĩnh vực tài chính – kế toán – kiểm toán. Chương trình sẽ đảm bảo cho người học có đầy đủ những kỹ năng và phẩm chất chuyên nghiệp để trở thành một chuyên gia hoạt động trong môi trường toàn cầu.”

 Phó hiệu trưởng trường Đh Ngoại thương TS Đào Thị Thu Giang.

Phó hiệu trưởng trường Đh Ngoại thương TS Đào Thị Thu Giang.

PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học Viện Tài Chính, cũng nhận xét, sự hợp tác này không chỉ hỗ trợ sinh viên có cơ hội sở hữu văn bằng nghề nghiệp danh tiếng nhất mà còn nâng cao kỹ năng đáp ứng nhu cầu chuyên môn trên toàn thế giới, từ đó mở ra con đường phát triển nghề nghiệp rộng lớn hơn và cơ hội việc làm cho các sinh viên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các DN thường tìm kiếm những sinh viên tốt nghiệp đã được trang bị đầy đủ những kỹ năng để có thể sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc.

Sinh viên được đào tạo từ chương trình lồng ghép này sẽ không chỉ cạnh tranh được về công việc với sinh viên ở các trường đại học khác mà còn có thể cạnh tranh về năng lực chuyên môn với sinh viên tới từ các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

Theo bà Lê Thị Hồng Len, Giám đốc khu vực Mê Kông của ACCA, để có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao của các DN, sinh viên khi rời ghế nhà trường rất cần được trang bị những kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp và thái độ làm việc tích cực.

Đây là những tố chất mà các nhà tuyển dụng đánh giá cao khi lựa chọn nhân sự. Thông qua các thỏa thuận lồng ghép đào tạo kỹ năng nghề nghiệp vào chương trình đào tạo của các trường đại học, ACCA sẽ giúp trang bị cho sinh viên tốt nghiệp kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong các lĩnh vực như quản trị DN, kỹ năng lãnh đạo, quản trị chiến lược, quản lý rủi ro, luật kinh doanh, báo cáo tài chính, thuế, kiểm toán và hơn hết là tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp để sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển của DN. Bên cạnh đó, mô hình đào tạo này cũng góp phần tiết kiệm cho DN chi phí và thời gian đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao để có thể bắt tay ngay vào công việc.

 

 

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí